Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Ai nghe thấu tiếng trống kêu oan của người dân vô tội?

Các cơ quan hành pháp và tư pháp, suy cho cùng là để làm tốt hai việc: không để người phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và không để người vô tội phải đi tù. Vậy mà trong vụ án tù oan 10 năm ở Bắc Giang, cả hai việc này họ đều không làm được.

Tôi lật lại bản cáo trạng của vụ án này, có nhiều chi tiết rất lỏng lẻo nhưng không biết vì sao họ lại vẫn có thể kết tội ông Chấn được. Nhân chứng vụ án không có, vật chứng vụ án là mấy chỉ vàng của nạn nhân cũng không tìm thấy, hung khí gây án là con dao cũng không có tung tích. Chỉ dựa vào suy đoán và vết chân ở hiện trường mà các cơ quan điều tra có thể đổ tội cho ông Chấn thì liều thật. Dấu chân chứ có phải vân chân đâu mà có thể khẳng định là của ông Chấn? Còn việc bàn chân người có kích cỡ giống nhau là điều hết sức bình thường, cả thế giới vẫn đi chung có mấy số giày thôi mà.

Suy đoán vô tội đã bị bỏ qua. Đó là lỗi xử án sơ đẳng. Đi tù oan là điều quá kinh khủng, nhưng đã có nhiều vụ gây rúng động vì lỗi tư pháp sơ đẳng như thế. Trước đó, ông Bùi Minh Hải ở Đồng Nai bị tù chung thân về tội giết người và hãm hiếp, chỉ vì ông này đánh rơi đồng hồ ở nơi xảy ra vụ án. Các chứng cứ ngoại phạm đã không có tác dụng. May mắn thay, trong khi ông Hải đang thụ án thì hung thủ thực sự bị bắt sau khi tiếp tục gây án và đã khai nhận toàn bộ vụ việc.



Giây phút ông Chấn được trút bỏ áo tù. Ảnh: cắt từ video

Nhà tù là nơi trừng phạt những kẻ có tội, những người được coi là dưới đáy của xã hội, chứ không phải là nơi biến những người vô tội thành cặn bã của xã hội. Thật may là ông Chấn tuy ngồi tù 10 năm những vẫn không đánh mất đi niềm tin vô tội của mình, có lẽ đấy chính là thứ quan trọng nhất để có thể minh oan cho ông.

Các vị quan tòa có thể lý luận là “án tại hồ sơ”, nhưng trước khi thành hồ sơ thì cũng phải điều tra cho đàng hoàng, tử tế chứ. Người có quyền thì phải có cơ chế giám sát cái quyền đó, không thì sẽ dẫn đến cái lạm quyền, bá quyền.

Đã có những vụ án oan xảy ra ở các tỉnh lẻ, nơi trình độ của nhiều quan tư pháp không đảm bảo, trong khi người dân thấp cổ bé họng, không biết phải xoay sở làm sao mỗi khi đáo tụng đình. Tôi rùng mình hoảng sợ không biết sẽ ra sao nếu tôi chẳng may rơi vào hoàn cảnh như ông Chấn, ông Hải...

Vợ ông Chấn đã thay chồng trong 10 năm đi kêu oan khắp nơi nhưng cũng không được cơ quan nào giải quyết. Chỉ đến khi Lý Nguyễn Chung, hung thủ thật của vụ án ra đầu thú thì ông Chấn mới được minh oan.

Ở Hà Nội có ngõ nhỏ thường tấp nập người, nhất là người dân ở các vùng quê, có cả những vùng đất rất xa từ Nam Bộ ra đây. Đó là những người đi kiện, đi phúc thẩm hay kêu oan lên tòa án và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao có trụ sở gần đó. Có những người một năm ở ngõ Dã Tượng này nhiều hơn ở nhà, có những vụ việc mà họ theo đuổi hàng chục năm kiên trì.

Theo quy trình thì sau khi thụ lý hồ sơ, cơ quan trung ương lại trả về cho cấp địa phương điều tra lại, nhưng nhiều người dân vẫn kiên trì bám trụ kêu cầu cấp trung ương. Họ bám trụ vì quyền lực của các cơ quan ở trung ương, hay vì họ đã tuyệt vọng không biết bấu víu vào đâu nữa và đó là cách duy nhất để họ tiếp tục hy vọng với niềm tin nhỏ nhoi nhưng mãnh liệt của mình?

Phía Nam thành Thăng Long xưa có Đình Quảng Văn, do danh nhân Bùi Xương Trạch lập nên, ngoài chức năng như nơi loan báo công văn triều đình, thì nơi đây còn đặt một chiếc trống cho người dân đến kêu oan. Triều đình sẽ nhận lời kêu oan của người dân trực tiếp từ đây.

Còn bây giờ, ông Chấn, anh Hải đã không phải biết làm sao để tiếng trống kêu oan của họ thấu được tới tai các vị quan chức đưa họ vào vòng lao lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét